Italia đang bị thất bại trong cuộc chiến chống Mafia?

Salvatore Russo - một trong những ông trùm Mafia băng đảng Russo. Băng này có sào huyệt ở thị trấn Nola kiểm soát hầu như toàn bộ các hoạt động phi pháp ở 40 thị trấn trong tỉnh Campania (Napoli là thủ phủ của tỉnh này)
(Tratto da Mekong News)
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo “L’Express” của Pháp, hai nhà báo người Italia là Laura Aprati và Enrico Fierro nhận định người Italia đang bị thất bại trong cuộc chiến chống mafia. Theo Laura Aprati và Enrico Fierro, ngay đầu tháng Giêng này, Ndrangheta, một băng nhóm mafia hoạt động tại vùng Calabria (miền Nam Italia), đã tấn công một toà án của vùng này. Đây thực sự là một “cuộc chiến” vẫn hàng ngày xảy ra ở khu vực miền Nam Italia này, giống như từng xảy ra ở các vùng Sicilia và Campania.
Vụ việc xảy ra đêm mùng 2 rạng mùng 3/1 khi tòa án Reggio ở Calabria đã bị tấn công bằng bom. Mặc dù vụ tấn công này không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người, nhưng cũng khiến Chính quyền Italia hết sức hoang mang: vụ tấn công đã nhằm vào một cơ quan quan trọng nhất ở Italia. Vấn đề càng trở nên nhạy cảm hơn khi vụ tấn công này lại được thực hiện bởi một nhóm mafia nguy hiểm nhất ở châu Âu, đó là nhóm Ndrangheta ở vùng Calabria . Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tội phạm của mình, Ndrangheta đã tấn công trực tiếp vào các trụ sở ngành tư pháp Italia. Năm 2009, gần 50 tên tội phạm của băng Ndrangheta, trong đó có 11 tên nằm trong danh sách 30 tên tội phạm nguy hiểm nhất ở Italia, đã bị bắt cùng với lượng tài sản trị giá khoảng 800 triệu euro. Điều này không hề làm cho những tay trùm mafia phải bận tâm.
Tuy nhiên, những gì đang nổi lên, thậm chí còn trở nên hết sức nóng bỏng, chính là cuốn sách và bộ phim tư liệu mang tên “Malitalia: những câu chuyện của các phần tử mafia, những người anh hùng và những kẻ đi săn” vừa mới được ra mắt bạn đọc ở Italia. Liên quan đến cuốn sách và bộ phim tư liệu trên, hai nhà báo Laura Aprati và Enrico Fierro đã kể cho độc giả tờ “L’Express” về cuộc chiến khốc liệt đang xảy ra hàng ngày ở Calabria, Sicilia, Campania và ở nhiều vùng khác; về cuộc đời đầy trắc trở của những con người muốn hiến dâng cuộc sống của mình này (với đúng nghĩa hẹp của nó) cho cuộc trốn chạy. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:
Phóng viên báo “L’Express” (P.V): Cuốn sách và bộ phim tư liệu mang tên Malitalia xuất hiện với mục đích gì?
Laura Aprati và Enrico Fierro (L.A và E.F): Sự xuất hiện của Malitalia cho phép độc giả có thể hiểu được những câu chuyện của những người đàn ông và đàn bà đang hàng ngày phải gánh chịu đầy những nỗi lo âu và sợ hãi về mafia trên đôi vai của mình. Cảnh sát, hiến binh, chủ thầu, giới trẻ ở vùng Sicila, Calabria và Campania, đang tìm cách chứng tỏ cho chúng ta biết rằng họ có thể sống trong môi trường không có nạn tội phạm có tổ chức bằng cách hàng ngày phải chiến đấu với nạn tội phạm này… Tuy tiếng nói của họ không được phản ảnh trên các tờ báo, nhưng những câu chuyện của họ đã tác động đến nhiều khu vực và cá nhân vốn từng được coi như quá xa xôi đối với độc giả và phương tiện truyền thông. Đó chính là tất cả những gì được phản ảnh trong cuốn sách và bộ phim tư liệu này. Ngoại trừ Dacia Maraini, một nữ nhà văn Italia vĩ đại thời nay và Don Luigi Ciotti, một linh mục đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc chiến chống lại loại tội phạm có tổ chức, được xuất hiện trên truyền hình. Chừng ấy nhân vật hiện vẫn đang muốn chạy trốn khỏi các ống kính máy chiếu.
P.V: Bằng cách nào mà cả hai bạn lại lựa chọn một chủ đề tác nghiệp khá nhạy cảm như mafia?
L.A: Tôi bắt đầu quan tâm đến mafia và say mê chủ đề này lần đầu tiên khi tôi đặt chân đến Sicilia vào năm 1989. Mùa hè năm đó, tôi đã đến Alcamo , một trong những ổ sào huyệt của mafia, để gặp gỡ những người bạn của chúng tôi. Họ đã giúp tôi xâm nhập sâu vào thế giới này bằng cách giải thích cho tôi về sự vận hành của thị trường lao động, của dòng nước… như thế nào. Sau đó, qua truyền hình, tôi đã hiểu được phần nào về những câu chuyện và cá nhân liên quan đến mafia. Nghiên cứu và hiểu được những vấn đề này cũng muốn nói lên một điều là xâm nhập sâu hơn vào những vùng đất ở đất nước chúng tôi, bởi nhìn chung từ sau chiến tranh đến nay, bọn mafia đã làm thay đổi hình ảnh của đất nước Italia.
E.F: Vì còn trẻ nên tôi đã gặp Camorra lần đầu tiên tại ngôi làng Quindici ở Campania , và tôi đã hiểu được rằng cần phải làm một điều gì đó… Và do có may mắn là có thể trở thành nhà báo, tôi đã cảm thấy bình thường và đúng đắn khi tôi đến miền Nam Italia và dấn thân vào mối hiểm họa tội phạm “Ngôi nhà của chúng ta (Cosa Nostra), Camorra và Ndrangheta” (hai băng nhóm mafia khét tiếng ở Italia). Bằng những lời lẽ khá đơn giản, tôi đã kể trong hàng trăm bài báo và cuốn sách về tình trạng bạo lực, tham nhũng chính trị, những câu chuyện về những người đàn ông và đàn bà chiến đấu vì một xã hội công lý hơn ở cách xa thành Rôm. Tôi đã quay một bộ phim tư liệu với nhan đề “La Santa, hành trình trong Ndrangheta xa lạ” và tôi đã giành giải Quả cầu Vàng báo chí nước ngoài năm 2008.
P.V: Mười bảy năm sau vụ ám sát các thẩm phán Falcone và Borsellino, điều gì đã thay đổi trong cuộc chiến chống mafia? Xã hội dân sự nói về cuộc chiến này như thế nào? Các bạn viết câu này, thật kinh khủng: “Chúng tôi đang bị thất bại trong cuộc chiến…”. Tại sao như vậy?
L.A: Niềm tin của nhân dân vẫn luôn vững mạnh hơn bao giờ hết, nhưng rõ ràng là cuộc chiến này đã trở nên hết sức khắc nghiệt, bởi mafia đã hoàn toàn thay đổi. Mafia được miêu tả trong các bộ phim như “Bố già” với các hành động bắn nhau kinh hoàng, những nhóm vũ trang, những tên tội phạm… không còn tồn tại nữa.
Nạn tội phạm ngày nay cho thấy bộ mặt thật của giới luật sư, chuyên gia-kế toán, bác sỹ, giáo sư… Các mối quan hệ được hình thành trong xã hội dân sự và mafia nay đã được xiết chặt… Tại Calabria và nhiều nơi khác, những người vợ, con gái và chị em gái của các phần tử mafia đều là giáo viên hoặc giáo sư. Họ dạy cho nhiều thanh niên trẻ về cội nguồn của mình. Đó là một trong số hàng loạt ví dụ.
E.F: Chúng tôi đang bị thất bại trong cuộc chiến chống mafia, vì Chính quyền Italia cho rằng tốt nhất là tấn công bọn mafia trên mặt trận quân sự. Khi một tên tội phạm giết người hoặc một chỉ huy mafia bị bắt, điều trước tiên chính quyền muốn làm là hô hào thật lớn, nhưng thực tế, chẳng người nào đả động điều tra đến các mối quan hệ về kinh tế và chính trị của các băng nhóm mafia.
Khi một nhân vật chính trị hoặc các cơ quan chức năng bị dọa “sờ gáy”, thông qua các cuộc điều tra, ngay lập tức những điều phiền toái bắt đầu xuất hiện: giới thẩm phán trở nên “xấu xa”, cuộc điều tra là thành quả của những thủ đoạn chính trị, chính trị được coi là một nạn nhân… Trong lĩnh vực kinh tế cũng tương tự. Cấp độ thứ ba, điều mà thẩm phán Falcone vẫn nói đến, không ai dám dính dáng vào, có thể vì mức độ này đã được thừa nhận trong xã hội và nền chính trị Italia. Nếu điều đó đúng sự thực, vậy mafia đã chiến thắng.
P.V: Các bạn muốn nói rằng mafia đã trở thành bệnh dịch ở địa phương và không thể chữa khỏi…
L.A: Là những bệnh dịch địa phương, bởi mafia đã bén rễ vào tận đất liền. Mafia đã chuyển hoá và xâm nhập vào nền kinh tế hàng ngày và không chỉ ở miền Nam, mà còn ở miền Bắc và ở châu Âu nữa, trong đó có Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha…
E.F: Không thể chữa khỏi, rất có thể, theo nghĩa của một căn bệnh mà không ai muốn đấu tranh.
P.V: Các bạn nói rất nhiều về “các mẹ đĩ mafia”… Điều đó có nghĩa là gì?
L.A: Thuật ngữ này muốn chỉ ra mối quan hệ có thể tồn tại giữa xã hội dân sự và nạn tội phạm có tổ chức. Trong bộ phim tư liệu, một kẻ tội phạm hối cải giải thích rằng trước hết là những tên chủ thầu liên kết lại với bọn mafia và sau đó mới liên kết với Confindustria (tổ chức giới chủ ở Italia). Vậy rõ ràng đây là một vấn đề khó khăn, bởi mafia lại đại diện cho toàn bộ nền kinh tế của một nơi… Mafia không còn đơn thuần là những tên giết người mà còn là những kẻ chuyên nghiệp hiện đang quản lý các gói thầu của nhà nước, trong đó có những quan chức của các doanh nghiệp nhà nước, những giáo viên, bác sỹ…
E.F: Ở miền Nam , giai cấp tư sản đã bị suy yếu do đánh mất ảnh hưởng truyền thống của mình trong xã hội cũng như vị trí làm chủ thông tin… Ngày nay, sức mạnh chính là tiền bạc và thương mại. Tất cả chỉ được thâu tóm bởi một nền kinh tế tội phạm. Những số liệu gần đây cho thấy doanh thu của mafia ở Italia là 130 tỷ euro và khoản lợi nhuận khoảng 70-80 tỷ euro. Sự giàu có này có thể làm đảo lộn sự cân bằng xã hội, quyết định các hình thức mệnh lệnh hoàn toàn mới trong xã hội, nhất là khi có tới 27% lao động đang làm việc ở Calabria, 12% ở Campania và 10% ở Sicilia là nhân viên trong các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp của bọn mafia. Rõ ràng, số này đã chiếm tới 10% dân số ở miền Nam Italia.
P.V: Các bạn đã gặp nhiều các lực lượng chống mafia, các thẩm phán, cảnh sát… Những con người phục vụ cho nhà nước, đôi khi đến tận khi chết… Vậy các bạn có cảm nghĩ gì về họ? Phải chăng là một sự cảm thông đối với họ?
L.A: Họ thường là “những người xa lạ” ở những vùng này, nơi hoàn toàn do bọn tội phạm có tổ chức kiểm soát. Họ có một khuynh hướng mạnh mẽ. Chúng tôi thường so sánh họ với các thầy tu, vì mối quan hệ của họ trong công việc gắn với “niềm tin”.
Điển hình như trường hợp người đứng đầu một đơn vị ở thành phố Trapani , Sicila. Kể từ 17 năm qua, người này vẫn luôn đi truy tìm tên thủ lĩnh cuối cùng của băng nhóm Cosa Nostra, Matteo Messina Denaro. Từ 5 năm nay, anh sống dưới sự che chở của một đoàn hộ tống, ngủ trong căn hộ của sở cảnh sát khu vực vì lý do an ninh. Trường hợp thứ hai là người đứng đầu đội chuyên truy bắt những kẻ trốn chạy. Để trở thành cảnh sát, người này cũng đã phải rời bỏ đại học và theo đuổi “niềm tin của mình”. Trường hợp thứ ba là một sỹ quan hiến binh vùng Calabria . Từng sinh sống ở vùng Piémont, miền Tây Bắc Italia, viên sỹ quan này cuối cùng đã quyết định trở về vùng đất quê hương của mình để tham gia một đơn vị đặc nhiệm mang tên “Những người thợ săn Calabria”. Và rồi những người bạn của anh không còn muốn gặp anh nữa… Tất cả những trường hợp trên đều kể cho chúng tôi về cuộc sống và giấc mơ của họ. Nhưng điều đặc biệt là họ không bao giờ có bất kỳ lời hối hận nào về sự lựa chọn của mình.
E.F: Ở Italia, đặc biệt là ở miền Nam nước này, quan điểm của nhà nước là một yếu tố lật đổ…
P.V: Các bạn kể về câu chuyện ly kỳ của những người dân ở ngôi làng Quindici thuộc vùng Campania này. Nơi đây đã trải qua 40 năm dưới chế độ độc tài của hai gia đình Camorra. Vậy nhà nước đã làm gì…?
L.A và E.F: Tại Quindici, nhà nước từng do một vài nhân viên sỹ quan hiến binh làm đại diện. Tuy cuộc sống luôn bị vây hãm, nhưng họ cũng đã cố gắng cản trở những băng đảng ở trong vùng. Nhà nước pháp quyền cũng từng được hiện thân bởi nữ dược sỹ Olga Santaniello, người đã tham gia một số nhóm trí thức cộng sản trẻ để tập hợp một danh sách những thành phần dân chủ đối lập với Camorra. Santaniello xuất hiện với tư cách là một nữ thẩm phán và luôn phải sống dưới sự che chở của đội cận vệ cùng những người con của mình để điều tra về những băng đảng này.
P.V: Phải chăng các bạn muốn đề cập đến một sự mờ ám đáng bận tâm về chính trị ở Calabra, nơi mà theo các bạn, việc kiểm soát các băng đảng mafia còn tồi tệ hơn ở Sicila trong những năm 1980-90?
L.A: Chúng ta có thể nói rằng ngày nay những vai trò đã bị đảo ngược. Cách đây tròn 20 năm, mafia luôn tìm cách tiếp cận các lĩnh vực chính trị. Bây giờ, mafia lại bắt đầu dựa vào tầng lớp tư sản để tìm kiếm sự đồng thuận cũng như những lá phiếu.
Các chính trị gia cũng tin là có thể sử dụng loại hình tội phạm có tổ chức mà không phải trả giá. Trong bộ phim tư liệu, thẩm phán Alberto Cisterna đã giải thích tại sao ngày nay các chính trị gia ở Calabra lại biết được rằng một khi chống lại các tên trùm mafia, họ có thể phải bỏ mạng, nhất là sau cái chết của Francesco Fortugno, Phó chủ tịch Hội đồng khu vực Calabra (bị ám sát năm 2005).
Các luật chơi đã thay đổi. Theo Dacia Maraini, mối quan hệ khá chặt chẽ giữa hai thế giới này có lẽ cũng bắt nguồn từ sự thiếu tầm nhìn của các nhà chính trị, những người từng có suy nghĩ sử dụng tội phạm có tổ chức mà không phải trả giá. Họ cũng đã tin có thể thanh toán nạn tội phạm này một cách dễ dàng. Thật là sai lầm…
E.F: Ndrangheta ngày nay là một tổ chức mafia Italia khét tiếng, giàu có và mạnh nhất không chỉ ở Italia mà còn ở phạm vi quốc tế. Khác hẳn với băng “Cosa Nostra”, Ndrangheta hoàn toàn không bị đổ máu trong một cuộc chiến phi lý chống lại nhà nước. Băng này đã biết cách xử lý cùng với chính sách và các thể chế, lập được những thoả thuận, và ngày nay không cần phải “xách nón đi thăm các đảng phái” nữa, bởi những tay trùm băng đảng này đang có những ứng cử viên của riêng họ – con trai, cháu trai, các thế hệ mafia thứ ba hay thứ tư của họ.
P.V: Từ nay trở đi, sau vụ tàn sát Duisburg (ở Đức) khiến 6 thanh niên Italia thiệt mạng trong đêm 15/8/2007, không ai có thể nói rằng châu Âu không bị đe dọa…
L.A và E.F: Các nước như Đức, Hà Lan hay Tây Ban Nha chắc chắn là những nơi có các cơ sở của các băng nhóm mafia, kể cả ở Ôxtrâylia và Canađa . Tại Pháp, cũng có những cơ sở nuôi dưỡng cho những kẻ quá cảnh. Nhiều người cũng đã từng nhìn thấy tên Bernardo Provenzano (từng là kẻ cầm đầu băng Cosa Nostra), đến thành phố Marseille (miền Nam nước Pháp) để chữa bệnh. Các chi nhánh của mafia cũng mọc lên ở khắp nơi. Trong khi đó, Thụy Sỹ lại là nơi cất giữ tài chính của Ndrangheta. Và nhiều nước khác vẫn còn đánh giá nhẹ hiện tượng này.
Khi tiền không rõ nguồn gốc rót vào cho đầu tư càng nhiều, chẳng ai muốn nói ra điều gì. Đôi khi sở dĩ mức cảnh báo lên cao, đó cũng chỉ là vì bất ngờ xảy ra một sự vụ tai tiếng. Và trường hợp ở Đức xảy ra sau vụ tàn sát Duisburg là một ví dụ.
P.V: Phải chăng các công cụ pháp lý ngang tầm với cuộc chiến chống mafia?
L.A: Vấn đề là vẫn thường xuyên có sự cách biệt giữa luật pháp và việc áp dụng nó. Hơn nữa, luật tố tụng hình sự đã không thích ứng với những thay đổi của mafia. Các bộ luật chủ yếu đề cập đến vấn đề “vũ trang” của mafia, nhưng lại không thường xuyên được cập nhật để bổ sung các loại tội liên quan đến tầng lớp “tư sản mafia”. Cạnh tranh bất hợp pháp hay lừa đảo chỉ bị xử lý tối đa 5 năm tù, và trong một số trường hợp, chỉ bị phạt tiền. Các công cụ tố tụng vẫn còn thiếu và một thiện chí nghiêm túc trong áp dụng các luật pháp cũng như vậy. Nhất là để tấn công loại hình mafia mới.
E.F: Dưới các chính phủ khác nhau của Berlusconi, các cuộc tấn công chống lại giới quan chức toà án trở thành thường nhật. Tấn công về tư tưởng, rồi chính trị và lập pháp. Nhiều bộ luật và sắc lệnh cũng đã bị “xoá” nội dung. Một số cơ quan kiểm sát của những vùng có nguy cơ nhất đã bị phá hủy. Nhiều quan chức thẩm phán bị tấn công hoặc bị đối xử như những kẻ điên khùng. Cuối cùng, nhiều cơ quan điều tra đã bị cạn kiệt về phương tiện tài chính và con người.
P.V: Phải chăng vẫn có những hy vọng…?
L.A: Cuốn sách của chúng tôi đã phản ánh tình hình thực tế ở đất nước chúng tôi và ở châu Âu. Bên cạnh đó, thông qua tiêu đề của cuốn sách, chúng tôi cũng muốn gợi lại một suy nghĩ về các yếu tố khích lệ. Điều đáng chú ý là trường hợp Don Luigi Ciotti và Hiệp hội chống mafia Libera của ông hiện quản lý nhiều tài sản tịch thu được của mafia. Hiệp hội này cũng đang cung cấp việc làm cho nhiều thanh niên miền Nam . Ngoài ra, tại Trapani còn có Antonio Birrittella, nguyên là trùm mafia. Chính Birrittella đã quyết định hợp tác với toà án địa phương mà không cần từ bỏ quê hương hay không đòi hỏi cận vệ. Hơn nữa, người dân Trapani cần phải hiểu rằng họ có thể sống không có mafia. Hy vọng, đó cũng chính là từ “những kẻ đi săn”, những người đang tiếp tục từ bỏ một cuộc sống bình thường.
E.F: Miền Nam Italia vừa là thiên đường vừa là địa ngục. Với dân cư thưa thớt, cùng nhiều kẻ tội phạm và “đao phủ”, nhưng khu vực này vẫn xuất hiện nhiều anh hùng hào kiệt mà nhiều khu vực khác trên thế giới không bao giờ có. Không chỉ nhiều quan chức thẩm phán, cảnh sát, hiến binh… đã cống hiến cả cuộc đời của họ tại nơi này mà còn cả những công dân trong vùng, những người lao động và trí thức…
P.V: Xin cám ơn hai bạn./.